Cá tính Mai Đức Chung
Nói đến HLV Mai Đức Chung là phải nói đến nhân vật đặc biệt bậc nhất trong lịch sử bóng đá VN. Ông sinh ra và lớn lên trong thời chiến,ảmơnHLVMaiĐứtranslator bắt đầu chơi bóng khi âm vang chiến sự còn âm ỉ, đi những bước đầu tiên trên đôi giày rách mua vội ngoài chợ, rồi trưởng thành trên mặt sân sỏi đá, có những ngày về nhà với đôi chân rỉ máu, khi đinh giày đâm ngược vào chân. Dù đau, nhưng ông vẫn đá.
HLV Mai Đức Chung yêu bóng đá đến mức sau này khi gặp bạn bè, toàn những người ở tuổi lục tuần, ông Chung cứ nói dăm ba câu hỏi han sức khỏe bạn bè, quay đi quay lại vài giây lại… phải nói chuyện bóng đá. Bên tách trà ấm mà vợ ông, bà Phạm Thị Ngọc Uyển, tự tay dậy sớm để pha cho chồng, ông Chung có thể nói về bóng đá cả ngày. Nhưng người đàn ông 74 tuổi kể về bóng đá không hề khô khan. Ông không nói về chiến thuật, lối chơi hay đấu pháp, mà chỉ luận đàm về con người. Với HLV Mai Đức Chung, bóng đá là con người, phản ánh một phần hình ảnh xã hội. Nơi có lấp lánh niềm vui mà cũng là nơi, có thể chất chứa nỗi buồn.
Từ khi bắt đầu sự nghiệp, bước qua hai cuộc chiến tranh đến khi cùng đồng đội đá trận thống nhất hai miền trong màu áo đội Tổng cục Đường sắt gặp đối thủ Cảng Sài Gòn vào năm 1976, dường như số mệnh đặt cho ông Chung vai trò người viết sử, cả trong vai trò cầu thủ lẫn HLV. Sự nghiệp cầu thủ đặc biệt đã đành bởi kinh qua đủ giai đoạn khói lửa chiến tranh, hòa bình lặp lại, đến khi huấn luyện cũng phải "độc nhất": vừa làm đội tuyển, vừa làm CLB, đã làm bóng đá nam, lại huấn luyện bóng đá nữ. Quá nhiều chiêm nghiệm trong gần 40 năm ngồi băng ghế chỉ đạo.
HLV Mai Đức Chung bền bỉ song hành cùng bóng đá VN mà có lẽ nền móng tạo nên thành công vang dội của ông, xuất phát từ cách đối nhân xử thế, sự tận tâm trách nhiệm và dĩ nhiên không thể thiếu yếu tố quan trọng là tài năng. Ông Chung từng nói làm HLV cũng như "tướng ra trận" trong bóng đá, đừng bao giờ đứng ở chỗ "mát". Phải xông vào khó khăn, không ngại gian khổ.
Tháng 9.2017, bóng đá VN rơi vào khủng hoảng khi U.22 VN bị loại ở vòng bảng SEA Games. HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức, chiếc ghế nóng HLV trưởng bỏ trống. Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) gọi điện mời ông Chung giữ chức HLV tạm quyền đến khi tìm được người mới. Ông khảng khái nhận lời bởi "tôi là đảng viên, khi tổ chức cần, tôi sẽ có mặt". Ông cùng học trò thắng cả 2 trận gặp đội Campuchia, giành 6 điểm trọn vẹn, vượt qua vòng loại Asian Cup 2019 để tiến thẳng vào vòng chung kết.
Nhờ đâu mà HLV Mai Đức Chung làm tốt với cả bóng đá nam và nữ? Câu trả lời nằm ở sự tử tế và bao dung của người thầy. Đó là bài học ông có được sau thời gian làm trợ lý cho ông Alfred Riedl. "Một trong những điều tôi học được từ ông Riedl khi còn làm trợ lý cho ông, là sự tôn trọng dành cho cầu thủ. Ai cũng có tự trọng. Tôi phải biết lúc nào gặp cầu thủ để nói, lúc nào động viên an ủi, lúc nào phê bình, ý nhị, tinh tế hơn", ông Chung chia sẻ.
Sau trận đấu khép lại vòng loại thứ 2 Olympic 2024 giữa đội tuyển nữ VN gặp Nhật Bản vào ngày 1.11, chúng tôi đã gọi điện cho HLV Mai Đức Chung. Ông nghẹn ngào vì đây là trận đấu cuối cùng của sự nghiệp cầm quân, nghẹn ngào vì quá khứ dội về và nghẹn ngào vì được học trò tặng chiếc áo đặc biệt, áo của Huỳnh Như có ghi những dòng tâm sự. "Tôi sẽ nâng niu nó như báu vật. Cầu thủ nữ, họ tình cảm lắm…", giọng ông như bật khóc. Cả một đời chinh chiến, HLV Mai Đức Chung để lại cho bóng đá nữ VN một di sản đồ sộ. Và quan trọng hơn cả, là hạt giống tình thương và trách nhiệm mà ông Chung đã gieo sau bao năm tận tụy. Để rồi nhận lại sự trân quý từ học trò và người hâm mộ, mà chắc chắn rồi không chức vô địch nào có thể sánh được.
Mong muốn đưa vợ đi du lịch
Sau vinh quang tột đỉnh với đội tuyển nữ VN, HLV Mai Đức Chung đã có thể nghỉ ngơi. Hình ảnh "vị tướng già" với những nếp nhăn trên trán xô vào nhau, cần mẫn đứng chỉ đạo cầu thủ, giờ sắp trở thành hoài niệm. Rời xa bóng đá, chờ đợi ông Chung thời gian tới là những tháng ngày thảnh thơi, là ấm trà cùng bữa sáng nóng hổi mà bà Ngọc Uyển, vợ ông Chung, chuẩn bị cho ông. Ông bảo muốn đưa vợ đi du lịch, bù đắp cho bà những thiệt thòi mà một đời huấn luyện, ông chẳng thể chu toàn.
Một buổi sáng cuối năm ngoái, khi tôi cùng ông Chung ngồi ở quán cà phê cách nhà ông chưa đến 200 m, điện thoại ông reo lên. Là "nóc nhà" của ông, bà Ngọc Uyển, gọi đến. Bà nói ông ngồi nhanh nhanh rồi về đi cho… đỡ nhớ. "Hai con trai đã có gia đình riêng. Cả căn nhà chỉ có hai vợ chồng, nên nếu không lên đội tuyển, tôi cũng chẳng đi lâu, sợ bà nhà tôi buồn", ông Chung kể.
Ngày ông Chung cùng đội nữ sang New Zealand dự World Cup, bà Ngọc Uyển chờ đến 3 giờ sáng khi ông hạ cánh mới nhắn gọi thì mới yên tâm. Còn với HLV Mai Đức Chung, dẫu đi xa đến đâu, cũng chỉ muốn về nhà ăn bữa cơm vợ nấu, từng giây từng phút tận hưởng khoảnh khắc bên người bạn đời.
Và bây giờ, khi sự nghiệp huấn luyện chuẩn bị khép lại, HLV Mai Đức Chung đã có thể nghỉ ngơi. Câu chuyện của vợ chồng mỗi ngày, sẽ không còn là những chuyến công tác dài ngày, mà là ngày mai ăn gì, đi tập thể dục ở đâu, hay kế hoạch cuối tuần đi câu cá, thưởng trà với những người bạn già mà ông Chung "bỏ quên" lâu nay, bởi phải đắm mình trong vòng xoay công việc.
Vị "tướng già" Mai Đức Chung, xin cảm ơn ông, vì tất cả!
Tuổi thật của HLV Mai Đức Chung
HLV Mai Đức Chung chia sẻ: "Tôi nhiều lần cũng muốn người khác biết rõ tuổi của mình.
Tôi sinh năm 1949, năm nay đã 74 tuổi rồi, không phải sinh năm 1951 như nhiều người nhầm đâu". Ít ai biết, ông bị bệnh tiểu đường nên chế độ ăn uống cũng phải kiêng khem. Ông tập thể dục hằng ngày, duy trì chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên gặp gỡ bạn bè, uống trà buổi sáng. HLV Mai Đức Chung bận rộn, nhưng luôn biết cách tìm kiếm niềm vui cho bản thân để giải tỏa áp lực.
HLV Mai Đức Chung đề cử ông akira ijiri
Hợp đồng của HLV Mai Đức Chung với VFF sẽ hết hạn vào cuối năm 2023. Sau khi trở về sau vòng loại Olympic Paris 2024, ông Chung sẽ đề đạt nguyện vọng nghỉ ngơi, đồng thời nêu ý kiến, tham vấn cho VFF trong việc tìm kiếm người kế nhiệm. Chiến lược gia 74 tuổi chia sẻ, ông sẽ đề xuất HLV Akira Ijiri. Ông Akira đang huấn luyện đồng thời hai đội tuyển U.20 và U.17 nữ VN, với thành tích tốt nhất là giúp đội U.20 nữ VN giành vé dự vòng chung kết châu Á 2024. Ông Akira cũng đứng lớp ở các khóa đào tạo HLV do VFF tổ chức, được đánh giá cao về chuyên môn, kinh nghiệm. HLV Mai Đức Chung khẳng định ông sẽ lùi về nghỉ ngơi, nhưng nếu VFF và ông Akira cần sự trợ giúp, thì ông luôn sẵn lòng hỗ trợ.